Ngày đưa nó về khi còn bé tí xíu, bố phải đi gần 20km để đưa về gia đình. Từ ngày về ở với gia đình thì nó lớn rất nhanh so với đồng trang lứa, nó rất năng động nên nghịch ngợm và đùa dai, nó nhây đến nỗi bố phát bực và cầm roi đánh nó. Mua chó cỏ, chó ta nuôi thì sao, chúng nó sống có tình có nghĩa lắm.
Thời gian thấm thoát cũng vừa tròn 1 năm, nó dc bà nội và mẹ chăm cho ăn uống rất tốt. Lúc rảnh rỗi bà hay lôi nó ra bắt rận hoặc lấy sữa tắm cho chó bà mua tắm cho nó. Những lúc như vậy nó hay nhảy cẫng lên và chạy từ đầu ngõ đến cuối ngõ đến khi nào mệt thì thôi, và nó nổi tiếng là đầu gấu nhất xóm vì chiến tích cắn người ta phải khâu 9 mũi…
Rồi bà bắt đầu đau yếu vì bệnh tật, đôi bàn chân của bà bắt đầu run rẩy từng bước đầy khó khăn, đôi bàn tay bà cũng không còn đủ sức để lôi một thằng to vật như trâu để đè ra bắt từng con ve, con rận hay tắm cho chó Vàng nữa
Một hôm bố đi làm, mẹ đi chợ như mọi ngày. Bà đang dò dẫm từng bước cầm cái xoong nhỏ ra cầu rửa, nó đang nô với mấy đứa ở ngoài ngõ bèn phi về vì tưởng bà đã chuẩn bị thức ăn cho chó Vàng như mọi khi.
– rầm…!
Bà bị nó đẩy ngã không thể đứng dậy nổi, bà nằm thẳng cẳng và chửi ầm lên. Nó sợ bố về biết chuyện thì nó lại ăn vài roi vào mông và kèm thêm vài bài ca muôn thuở vì cái tật nhây cố hữu nên nó cứ loanh quanh bên cạnh bà và ư ử rồi hết chạy ra cổng ngóng rồi lại chạy về chỗ bà và rên rỉ. May sao lúc đó mẹ đi chợ về kịp nên vội bế bà vào nhà và không quên cho nó một trận lên bờ xuống ruộng…
Rồi bà yếu, không thể tự đi lại dc nữa. Cứ đến giờ quen thuộc nó lại xuống chỗ bà để ngóng xem bà có mang đồ ăn cho nó như mọi ngày nữa không , vài ngày không thấy bà cho ăn như mọi khi nên nó cũng không ngóng bà nữa và quay ra ngóng mẹ đi chợ về…
Rồi việc gì đến cũng đến. Bà mất, khi bà bắt đầu chút hơi thở, bố mẹ vào mọi người lo hậu sự cho bà thì nó luôn nằm bên cạnh chỗ bà nằm, rồi đến lúc phát tang, bố vừa đeo khăn tang cho nó vừa nói với nó: bà mất rồi con ạ! Bố đeo khăn cho con và con cùng bố mẹ đón khách đến viếng bà nhé.
Khách khứa đến thắp hương rồi ra về liên tục, mỗi lần có khách đến thắp hương thì nó nhìn rồi cúi đầu, khi khách ra về thì nó ngẩng lên như muốn chào tiễn khách mà không một tiếng sủa. Nếu là ngày thường thì nó lao như trâu ra cổng để vồ những ai lạ mặt muốn vào nhà . Đến giờ chuẩn bị di quan để đưa bà về với ông nội , các con, các cháu tập chung bên linh cữu để nghe các ban ngành, sư thầy và các già tụng kinh cho bà trước giờ di chuyển. Nó đang nằm ở cửa và thở rất mệt vì trời nắng, vì mấy hôm nó ăn rất ít, hầu như luôn túc trực ở cửa ra vào để đón khách và canh quan tài của bà. Thấy mọi người đi vào đứng xung quanh thì nó cũng đi vào và nằm phía đầu quan tài mặc kệ mọi người lôi kéo, đủn đẩy, thậm trí có người mới đến chưa biết đá nó, nó cũng nằm lì coi như không biết. (Nếu trước đây mà người lạ có hành động dọa nó thì nó phải phi ra và đuổi cho chạy chối chết)
Có lẽ nó bắt đầu nhận ra rằng nó sắp mất bà, sắp mất đi người mà khi còn khỏe hay cho nó ăn, hay lôi sềnh sệch nó về khi đang đánh nhau, hay bắt rận và không ngớt miệng phàn nàn rằng: “mày cứ chui rúc, lê la ở chỗ bẩn nên mới lắm rận, bảo bố mày tắm cho đỡ ngứa nghe chưa!” nên nó chấp nhận nhẫn nhục, ngoan ngoãn nằm im khi mọi người bắt đầu đi vòng quanh linh cữu. Nó nằm gục đầu ở đấy với biểu cảm cực kì buồn bã, chán nản, chỉ thỉnh thoảng nó mới uể oải ngóc đầu lên một cách đầy mệt mỏi khi bố nó nói chuyện.
Giờ tiễn đưa bắt đầu. Mọi người lục đục bước ra nhường chỗ cho những người vào khênh linh cữu. Nó vẫn nằm đấy, đầu vẫn đặt lên áo quan và mõm vẫn thở hổn hển đầy mệt nhọc. Vì đã đến giờ nên bố nó phải vào bế nó ra, nó không cho bế, bỗng nó đứng bật dậy rồi sủa inh ỏi, nó lao ra cửa, đứng sẵn ở cổng như chấp nhận sự thật không thể nào thay đổi, và sẵn sàng tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng với mọi người. Khi linh cữu dc bê ra thì nó luôn bám sát, đi cạnh cho đến khi ra tận đầu ngõ. Vì sợ nó đi mất nên bố nó nhờ mọi người gọi nó về nhốt vào nhà tắm, lấy cánh cửa gỗ chèn lại. Nó sủa và rít lên, nó lồng lộn rồi phi cả đầu vào cánh cửa đẩy bật ra rồi tiếp tục lao ra khiến khách khứa sợ, bố phải quay lại nói nhỏ với nó là: con thương bà thì hãy trật tự để bà yên nghỉ, rồi chỉ khép cổng đi ra mà nó không đi theo nữa.
Đám tang bà đc đưa ra nghĩa trang thành phố để hỏa táng rồi mới đưa về quê nơi ông đang yên nghỉ với tổ tiên. Từ lúc đưa đi đến lúc về chưa đầy 4h đồng hồ, nhưng khi đội kèn trống mới về đến đầu ngõ ( ngõ sâu khoảng 50m) nó đã phóng như tên bắn mà lao ra, nhảy dựng đứng lên, hai chân trước nó ôm chặt anh đang bê ảnh của bà nó mà rít lên những tiếng như mừng rỡ nhưng não lòng và đầy ai oán khiến anh Cún của nó suýt rơi cả di ảnh của bà mà ngã ra (vì nó đứng bằng hai chân thì cao khoảng 1,5m, hôm sau mới nghe mọi người ở nhà kể lại là khi mọi người đi thì nó ở nhà không chịu nằm yên như mấy hôm trước mà nó luôn đi ra đi vào để ngóng mọi người.)
Sau khi cỗ bàn tiếp khách đã đến viếng và đưa tiễn ra về, mọi người còn lại tập chung dọn dẹp xong xuôi thì cũng mệt mỏi vì mấy hôm lo công việc mà không để ý đến nó, thấy vắng nó nên mọi người hỏi nhau là nó đi đâu mà không thấy nó nằm ở cửa như mọi ngày. Hóa ra từ sau khi nó thấy di ảnh của bà đưa về mà không thấy “cái giường” bà nằm lúc mọi người đưa đi khiến nó hụt hẫng, không ồn ào, không quanh quẩn như mấy bữa trước. Nó lui vào tận góc bếp nằm im ở đấy, ai gọi cũng kệ, đến bố vào gọi và bế ra cũng kệ, bế ra nó lại đi vào. Nó đang buồn, rất buồn! hình như nó đang cần một chỗ khuất, kín đáo và thật yên tĩnh để…nhớ bà của nó. Đến tận lúc này khi bố đang nằm gõ những dòng cap thì nó vẫn nằm lặng lẽ với khuôn mặt buồn bã khác hẳn cái tính nghịch ngợm cù nhây cố hữu vì nó…ĐANG RẤT NHỚ BÀ NỘI CỦA NÓ!
P/s:
Câu chuyện và hình ảnh này hoàn toàn thật 100/% và dc rất nhiều người đến viếng kể cho nhau nghe về nó, ai cũng chia sẻ một cách đầy thán phục. Nó thân làm chó nhưng có tư duy của một con người. Cám ơn tất cả mọi người đã gửi lời chia buồn cùng gia đình.
Cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương,
Gieo nhân nào thì gặp quả ấy.
Không mất gì thì đừng nên tiếc gì,
Sá chi một kiếp phù du nhỉ?
Mà chẳng trao nhau trọn chữ TÌNH!