Mất nửa năm kiên trì dạy dỗ, huấn luyện đàn chó cưng, bà Tư Mỹ “chế” được một cỗ xe chó kéo ưng ý và gọi nó bằng một cái tên khá mỹ miều: “cỗ xe tam cẩu”.
Đến khu vực bến nước Trung Dân (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) hỏi nhà bà Tư Mỹ (Châu Thị Mỹ, 78 tuổi) ai cũng biết. Người dân quanh đây thường nhắc đến bà với một cách nửa lạ nửa quen: bà cụ có đàn chó kéo xe.
“Cỗ xe tam cẩu”
Nói là nhà nhưng thực chất đó là một cái chòi lá lụp xụp nằm đơn chiếc giữa đồng ruộng hoang vắng, vách lá liêu xiêu. Tài sản quý giá nhất chính là những chú chó thân yêu mà bà Tư Mỹ vẫn xem như con của mình.
Người phụ nữ gầy guộc, mặt đen nhẻm lấm tấm bùn với hàm răng cái còn, cái mất nhưng khi được hỏi chuyện, khuôn mặt ấy dường như trẻ lại, háo hức kể cho tôi nghe những câu chuyện về đàn chó kéo xe của bà.
Bà kể, từ nhỏ bà vốn rất thích nuôi chó nên lúc nào trong nhà cũng có vài ba con. Bà lại có khiếu nuôi dạy nên con nào cũng khôn và biết làm nhiều việc. Trong một lần tình cờ xem ké tivi nhà hàng xóm, bà Mỹ thấy cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở vùng ven Bắc Cực xa xôi rất tiện lợi nên chợt nghĩ ngay đến việc dạy đàn chó của bà kéo xe.
Ban đầu, bà mua ống nhựa rồi xin thêm bánh xe đạp cỡ nhỏ mà chủ tiệm sửa xe không dùng, rồi miệt mài cưa đục, lắp ráp để tạo ra cỗ xe cho bầy chó kéo đi. Hơn nữa tháng, cỗ xe tự chế hoàn thành. Bà thử buộc xe vào cổ ba con chó, tập cho chúng cách kéo cỗ xe này. Mất nửa năm kiên trì dạy dỗ, bà Mỹ đã tạo được một cỗ xe chó kéo ưng ý và gọi nó bằng một cái tên khá mỹ miều: cỗ xe tam cẩu. “Vậy là trời còn thương, còn cho mình một kế sinh nhai”, bà Mỹ tự nhủ.
Mấy chục năm qua, người dân trong vùng không còn xa lạ gì với cảnh mấy con chó kéo xe lon ton chạy trước, sau xe bên trên là thúng, là mủng, bao tải… Bà Tư Mỹ hì hục đạp xe chạy theo sau. Dọc đường từ bờ sông ra chợ Phước Vinh, xa khoảng 5 đến 6 cây số, chiếc xe chó của bà Tư Mỹ mỗi sáng lại thủng thẳng chở ốc bươu, đọt lục bình, lúa… ra chợ bán. Thương bà Tư Mỹ ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn còn khổ cực chạy bữa hằng ngày, thương đàn chó trung thành nên bà con ai cũng cố mua dùm. Bán xong bà mua gạo, mắm chất lên xe, rồi bà bảo lũ chó: “chạy về trước đi mấy con”, bà dứt lời lũ chó lại lon ton chạy về.
Bà Tư nhớ lại, trong một lần đi mót lúa, thấy bà lụi cụi bên dưới ruộng, bên trên đàn chó và cỗ xe đứng đợi. Một thanh niên chạy lại phía bà rồi bảo: “Có bao lúa đằng kia, nếu xe chó chở được thì Tư chở về ăn, coi như con biếu Tư”. Bà nhờ người thanh niên hốt bao lúa nặng hơn 40kg lên xe. Ba con chó thong dong chạy về nhà trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người.
Hai lần khóc vì con
Những con chó kéo xe của bà Tư Mỹ có những cái tên vừa lạ vừa dễ thương như: Lô, Mina, Rô, Cơ, Chuồn, Bích. Sau này bà đổi tên bộ ba chó kéo xe là Xe, Pháo, Mã. Đàn chó của bà nổi tiếng gần xa, nhiều đoàn xiếc tìm đến tận cù lao nơi bà sinh sống để hỏi mua với vài chục triệu đồng. Thấy số tiền lớn cũng ham, nhưng bà kể bà vẫn nhất quyết không bán, vì từ lâu bà đã xem chúng như những đứa con thân yêu của mình. “Thôi kệ, mẹ con sống với nhau, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Biết là tụi nhỏ ở với tui nó khổ, nhưng tui không nở xa mấy đứa nó”. Nói rồi bà đưa tay quệt ngang những giọt nước mắt lả chả rơi”.
Thế nhưng, làm sao ngờ hết sự đời, khi “những đứa con” của bà đã lọt vào tầm ngắm của những tên trộm chó. Thấy bà già cả, bọn chúng ngang nhiên vào nhà bắt chó, mặc cho bà có kêu la, van xin thế nào. Mỗi lần như thế, bà lại đổ bệnh, nằm liệt mấy ngày liền. Bởi vì lũ chó liên tục bị mất, không huấn luyện kịp, mới đây, bà Tư dùng ống dẫn nước bằng nhựa, kỳ công cưa cắt, khoan đục chế ra một loại xe mới nhẹ hơn, chỉ một con chó cũng kéo được, xe “độc khuyển” lại rong ruổi trên đường đời. Chú chó này rồi sẽ thay những con Rô, con Cơ, con Mát kéo cỗ xe cuộc đời buồn của bà…
Bà Mỹ cho biết bà có tất cả là 6 người con: 5 gái và 1 trai. Chồng bà không may mất sớm, một mình bà thân cò nuôi con. Đến năm 2009, mẹ con bà mới xây được căn nhà. Ngôi nhà mới chưa ráo hồ, bỗng một ngày đứa con trai duy nhất của bà ra đi vì một tai nạn giao thông. Nuốt nỗi đau, người mẹ ấy lặng lẽ bán cái nhà mới xây để lo hậu sự cho con tươm tất.
Cuộc đời 5 đứa con gái của bà cũng không khá hơn mẹ. Họ lấy chồng sinh con rồi cặm cụi lo cho gia đình và nhà chồng nên việc giúp đỡ, báo hiếu cho mẹ của mấy chị em không được đều đặn.
Con trai mất rồi, tài sản còn lại của người mẹ chỉ là đàn chó. Không ai đỡ đần, cuộc sống của bà đã khổ lại càng khổ. Không chốn nương thân, bà dắt đàn chó xuống sống tại một căn nhà ven sông Vàm Cỏ, tại đây bà mót lúa ở cù lao bên xã Thanh Điền, cuộc sống cũng tạm đắp đổi qua ngày. Được một thời gian người chủ cũ lấy lại đất nên bà phải dọn đến sống tại cái chòi lá này.
“Đây là đất hoang nên không lo bị người ta lấy lại nữa, vậy là cuối cùng tui cũng có cái nhà của riêng mình”. Bà kể giờ đã nhiều tuổi, không còn đủ sức để nuôi đàn chó ăn no, bà phải cắn răng nhìn một con chết vì đói, đem đi cho một con, giờ chỉ giữ lại một con để bầu bạn lúc tuổi già. Trước thì bà mót lúa, mùa này nước lên bà chuyển sang đi bắt cá kiếm sống qua ngày. Nói rồi, bà chạy ra sân, chỉ cho tôi xem cái thau có vài con cá rô nho nhỏ, vừa dụi mắt vừa cười cho biết, hôm nay hên nên cá bắt được nhiều hơn so với ngày thường. Số cá này mang ra chợ bán cũng được hơn chục nghìn, đủ cho người đàn bà và con chó nhỏ mưu sinh qua ngày.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, đã hai lần bà Tư Mỹ bật khóc: lần thứ nhất là khi bà kể về người con trai duy nhất đã mất của mình, lần thứ hai là khi nhắc đến mấy chú chó bị người ta sát hại…